Kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Ba Vì
1. Giới thiệu Vườn quốc gia Ba Vì
Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 60km, Ba Vì nổi tiếng là điểm đến lý tưởng dành cho du khách yêu thích không khí trong lành mát mẻ cùng khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên rừng núi. Vườn quốc gia Ba Vì là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục với nhiều con suối bắt nguồn từ núi rừng Ba Vì quanh năm nước chảy như Thiên sơn – Suối ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Hồ Tiên Sa. Là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: đền Thượng, đền Trung, đền Hạ đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên, động Ngọc Hoa.. Chính những điều kiện trên đã tạo nên cho Vườn quốc gia Ba Vì từ lâu đã thành một nơi nghỉ mát vùng núi cao lý tưởng của cả nước.
'
2. Đi vườn quốc gia Ba Vì vào lúc nào?
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10 với nhiệt độ trung bình 23ºC, tháng 6 và tháng 7 có nhiệt độ trung bình cao nhất là 28,6ºC. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 3 với nhiệt độ xấp xỉ 20ºC , tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất chỉ khoảng 15,8ºC. Dựa vào những thông tin này, các bạn có thể sắp xếp quãng thời gian tới Ba Vì sao cho phù hợp với các điều kiện cá nhân của chính mình, ngoài ra cũng có một vài gợi ý cho bạn về thời điểm nên du lịch Ba Vì như:
Mùa hè khoảng từ tháng 6-8, thời tiết thủ đô Hà Nội khá nắng nóng. Trên Ba Vì nhiệt độ lại thấp hơn đôi chút tùy từng cao độ, đây là thời điểm mà các bạn có thể tạm rời xa vùng trung tâm thủ đô ồn ào để lên Ba Vì tránh nóng.
Giữa tháng 11, đầu tháng 12 là thời điểm mùa hoa dã quỳ ở Ba Vì nở rộ. Lúc này là thời điểm khá thích hợp để tới Ba Vì nếu bạn muốn có những bộ ảnh cùng loài hoa đẹp này.
;
3. Cách di chuyển tới vườn quốc gia Ba Vì
Đi bằng phương tiện cá nhân
- Xuất phát từ Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội) -> đi theo đại lộ Thăng Long khoảng 30 km -> cầu vượt Hòa Lạc -> đi thẳng vào khu vực Làng văn hóa theo biển chỉ dẫn đến xã Yên Bài -> núi Ba Vì.
- Xuất phát từ khu vực Cầu Giấy -> theo đường Quốc lộ 32 khoảng 37 km tới ngã tư bến xe Sơn Tây -> rẽ trái tiếp 3,5 km đến ngã tư Viện 105 – > Đi thẳng tiếp 9 km tới ngã ba Tản Lĩnh -> rẽ trái đi tiếp 3,5km đến ngã 5 hình sao, phía trước bên tay phải là Trạm bán vé tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì.
Đi bằng xe buýt
- Bắt các tuyến buýt từ trung tâm TP. Hà Nội lên Bến xe Sơn Tây, từ đó chuyển sang tuyến buýt số 110 đi tới cổng VQG Ba vì.
Các tuyến buýt từ trung tâm TP. Hà Nội lên Bx Sơn Tây: tuyến 20B (Cầu Giấy – Bến xe Sơn Tây), tuyến 71 (Bến xe Mỹ Đình – Bến Xe Sơn Tây), tuyến 77 (Bến xe Yên Nghĩa - Sơn Tây)
Lộ trình của tuyến buýt số 110 đến VQG Ba Vì như sau:
Lượt đi: BX Sơn Tây - Chùa Thông - Tỉnh lộ 414 - VQG Ba Vì - Đá Chông
Lượt về: Đá Chông - Tỉnh lộ 414 - VQG Ba Vì - Chùa Thông - BX Sơn Tây
Tần suất chạy xe: khoảng 25 phút/chuyến; Thời gian hoạt động: 5h00 - 18h20 hàng ngày; Giá vé: 7.000 đồng/lượt
- Ngoài ra, hành khách có thể bắt các tuyến buýt số 74 có trợ giá (9.000 đồng/lượt/hành khách) xuất phát từ BX. Mỹ Đình đến Xuân Khanh (Sơn Tây), sau đó từ đây tiếp tục di chuyển bằng xe ôm hoặc taxi thêm khoảng 10km là sẽ đến VQG Ba Vì.
'
4. Giá vé vào Vườn Quốc Gia Ba Vì
Các bạn có thể tham khảo mức chi phí này để tính toán chi phí cho chuyến đi, trong đây ngoài chi phí vé vào cổng là bắt buộc của vườn, các chi phí còn lại hầu hết của các dịch vụ tư trong vườn mà nếu sử dụng các bạn mới cần trả phí.
Vé tham quan
- Vé vào cổng 60.000đ/ người lớn, người già hoặc khuyết tật giá 30.000đ, sinh viên giá 20.000đ, học sinh giá 10.000đ
- Vé ô tô tính theo giờ nhưng tối đa là 55.000/1 lượt ra vào (kể cả gửi qua đêm)
- Vé gửi xe máy ban ngày (ở cốt 400m, cốt 1100m) : 5.000đ
- Vé gửi xe máy qua đêm (khu vực cốt 400m) : 8.000đ
- Vé tham quan vườn xương rồng 10.000đ
- Vé tham quan động Ngọc Hoa 10.000đ
Chi phí cắm trại
(tại khu vực cốt 400m do Ba Vì Resort thu)
- Phí thu cắm trại ban ngày: 20.000đ/người
- Phí thu cắm trại ban đêm: 30.000đ/người
- Thuê lều trại: 100.000 – 200.000đ/ lều
Chi phí ăn uống
Ăn sáng tại nhà hàng Xạ Hương (của Ba Vì resort) 50.000đ/ người
Ăn trưa trên 1100m khoảng 350.000đ/2 người. Nếu đi đông thì khoảng 1.000.000/5 người với khá đầy đủ món.
Các bạn lưu ý là các bạn có thể tự chuẩn bị đồ ăn mang theo từ nhà nếu có ý định tổ chức tự ăn uống bởi khi vào trong Vườn Quốc gia, hầu như không thể mua thêm gì. Ngoài ra, nếu muốn có thể thuê các loại lều trại, loa kéo, loa tay, bếp nướng tất tần tật ở ngay cửa Vườn Quốc gia, nơi có rất nhiều hộ dân kinh doanh các dịch vụ này.
'
5. Các điểm tham quan trong vườn quốc gia Ba Vì
'
Vườn xương rồng
Vườn xương rồng hay Nhà kính xương rồng là nơi được giới trẻ check in nhiều nhất. Nhờ kiến trúc nhà kính cùng với 1.200 giống xương rồng hình dạng đặc sắc và sắc xanh ngập tràn, nơi đây trở thành địa điểm sống ảo vô cùng hot.
'
Động Ngọc Hoa
Nằm dưới một vách đá dựng đứng gần chân núi Ba Vì từ hàng ngàn năm nay, do sự trượt gẫy của địa chất đã vô tình hình thành nên một cảnh quan kỳ thú với tảng đá to lớn được xắp xếp ngay ngắn, vững trãi,tạo nên một am động thiên tạo. Từ nhiều năm nay, nhân dân địa phương đã xây dựng, tôn tạo nơi đây thành am thờ Ngọc Hoa công chúa.
'
Rừng thông
Rừng thông ở Ba Vì nằm ở sau vườn xương rồng và khu vực Ba Vì Resort cốt 400m, đây là địa điểm rất thú vị để chụp ảnh, dựng lều cắm trại.
'
Rừng hoa dã quỳ
hoa Cúc quỳ phân bố tự nhiên giữa những vạt rừng xanh của Vườn quốc gia Ba Vì, mùa hoa Cúc quỳ bắt đầu nở vào khoảng từ đầu tháng 11 đến trung tuần tháng 12 dương lịch hàng năm.
Các bạn có thể ngắm dã quỳ ngay từ cổng vào và kéo dài rải rác trên đường lên cốt 400m, khu vực rừng dã quỳ tập trung ở phía sau rừng thông cốt 400m. Qua rừng thông cốt 400 khoảng 200m các bạn gửi xe rồi rẽ trái đi bộ khoảng 300m sẽ đến được rừng hoa Dã quỳ, nơi đây có diện tích rộng khoảng trên 10 ha, gồm 05 khu, có tuyến đường mòn dài trên 3km.
'
Nhà thờ Pháp cổ
Ở độ cao khoảng 800m (so với mực nước biển), rẽ phải, vượt lên một đoạn dốc cao và khúc cua tay áo là khu phế tích gồm nhà thờ, những biệt thự nghỉ mát hoang sơ tuyệt đẹp. Trong số đó, nhà thờ cổ là địa điểm được biết đến hơn cả. Tuy nội thất đã bị hỏng gần hết, phần khung nhà thờ vẫn còn giữ được hình dáng cơ bản. Các mảng tường bám rêu, những nhánh cây đã len lỏi mọc men theo, tạo nên nét huyền bí cho nhà thờ cổ vườn Quốc gia Ba Vì.
'
Đền Thượng
Đền Thượng (còn gọi là Chính cung thần điện) chính là nơi thờ Đức Thánh núi Tản Viên Sơn Tinh. Theo thời gian, ngôi đền cổ không còn nữa, chỉ còn phần đền thờ lưng dựa vách núi. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2008, đền Thượng đã được trùng tu hoàn chỉnh vào năm 2010.
Đền Thượng tọa lạc tại đỉnh núi Ba Vì với độ cao 1.227 m, nếu muốn đến với đền Thượng, bạn phải leo khoảng 500 bậc thang. Đảm bảo cảnh tượng trên cao sẽ không làm bạn thất vọng. Sắc xanh của rừng núi hòa lẫn với màu xanh của bầu trời, màu xanh của sông hồ ẩn hiện sau những áng mây trắng bay.
'
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại vườn Quốc gia Ba Vì có ba đỉnh núi thuộc dãy Ba Vì: đỉnh Ngọc Hoa (1.131 m), đỉnh Tản Viên (1.227 m), và đỉnh Vua (1.296 m). Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm tại đỉnh cao nhất là đỉnh Vua. Bạn sẽ phải chinh phục 1.320 bậc thang để đến thăm đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
'
Vườn Quốc gia Ba Vì cón nhiều điểm thăm quan khác như động Ngọc Hoa, đỉnh núi Ngọc Hoa, quần thể Bách Xanh cổ thụ trên đỉnh núi Tiểu Đồng, tháp Báo Thiên... Nếu có thời gian, bạn nên ghé thăm những điểm này để có được trải nghiệm đầy đủ nhất tại Ba Vì.
'
6. Ăn gì ở Vườn quốc gia Ba Vì
Các món đặc sản ở Vườn quốc gia Ba Vì có thể kể đến như gà đồi, thịt lợn rừng, cơm lam muối vừng …
Trong khuôn viên Vườn quốc gia Ba Vì không có nhiều nhà hàng, quán ăn nên nếu muốn ăn trong nhà hàng, bạn có thể liên hệ nhà Hàng Xạ Hương ở khu vực cốt 1.100m. Số điện thoại liên hệ:0977908669.
Ngoài ra, bạn có thể mang theo đồ ăn, đồ uống tự túc. Hoặc mua gà sống được làm sạch, cơm lam ngay ở cổng vườn để mang theo vào trong vườn.
'
Nguồn bài viết, ảnh: sưu tầm