Khám phá nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội
Giữa lòng thủ đô ồn ào, tấp nập vẫn có một nhà tù Hỏa Lò luôn ở đó và lưu giữ những thăng trầm lịch sử theo thời gian. Khi đến đây bạn sẽ có cảm giác như một lần được ngược dòng về lịch sử và cảm nhận những tinh thần bất khuất trong thời kỳ khó khăn của dân tộc.
1. Giới thiệu về di tích Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà tù còn được gọi với cái tên khác là ngục Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng bắt đầu từ năm 1896 (4 năm sau khi nhà tù ở Côn Đảo được xây dựng) và có tên tiếng Pháp là Maison Centrale, có nghĩa là đề lao trung ương.
Nhà tù được xây dựng nhằm mục đích giam giữ các nhà tù chính trị và các nhà ái quốc chống chính quyền thực dân Pháp từ năm 1896 đến năm 1954.
Tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ Việt Nam đã quản lý và tạm thời sử dụng nhà tù Hoả Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 05/8/1964 đến 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này, phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò tên gọi hài hước “Hà Nội Hilton”.
Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà tù Hỏa Lò. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để xếp hạng trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội. Nơi đây có Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Tại thời điểm hoàn thành, Nhà tù Hỏa Lò có quy mô lớn và kiên cố bậc nhất tại Đông Dương với tổng diện tích là 12.908m2, bao gồm các hạng mục công trình sau: một nhà canh gác; hai nhà bệnh xá; một nhà thương bố thí; hai nhà giam bị can; một nhà phân xưởng; năm nhà giam tù nhân.
Ngày nay, phần diện tích được giữ lại để bảo tồn và tham quan du lịch chỉ rộng khoảng 2.400m2.
'
'
2. Giá vé tham quan tại nhà tù Hỏa Lò
Địa chỉ: số 1 Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giờ mở cửa: 8:00 – 17:00
Giá vé: 30.000đ/người
Các đối tượng giảm 50%:
- Học sinh, sinh viên (có thẻ học sinh, sinh viên).
- Người khuyết tật nặng.
- Người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên).
- Người thuộc diện chính sách xã hội.
Các đối tượng miễn phí:
- Trẻ em dưới 15 tuổi.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng.
- Người có công với Cách mạng.
- Thành viên các hội: Cựu chiến binh, Ban Liên lạc Kháng chiến, Ban Liên lạc các Nhà tù trong cả nước.
'
'
3. Nhà Tù Hỏa Lò Ở Đâu? Hướng Dẫn Cách Đi Đến Nhà Tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò nằm ở khu đất được giới hạn bởi bốn phố Hỏa Lò, Hai Bà Trưng, Quán Sứ và Thợ Nhuộm với địa chỉ chính xác là số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Bạn có thể di di chuyển đến Nhà tù Hỏa Lò bằng xe cá nhân, xe công cộng, thậm chí là đi bộ.
Nếu đi bằng ô tô hoặc xe máy, từ khu vực hồ Hoàn Kiếm, bạn đi đường Lê Thái Tổ theo hướng Hàng Trống, thẳng qua Bà Triệu. Sau đó, rẽ phải vào đường Hai Bà Trưng, đi thêm 500m nữa thì rẽ trái vào phố Hỏa Lò.
Trong trường hợp bạn chọn đi xe buýt, thì có thể tham khảo tuyến số 02, 32, 34 và 38 có đi ngang qua địa điểm Nhà tù Hỏa Lò nhé. Nhà tù Hỏa Lò cũng nằm trong lộ trình của xe buýt Hop On Hop Off tham quan Hà Nội nữa đó.
'
'
4. Bên Trong Nhà Tù Hỏa Lò Có Gì?
Nhà tù Hỏa Lò được chia thành bốn khu A, B, C, D riêng biệt, trong đó:
- Khu A và B dành cho phạm nhân đang được điều tra, tội nhẹ, hoặc vi phạm kỷ cương của nhà tù.
- Khu C dành cho phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc.
- Khu D dành cho các phạm nhân tội nặng và đang chờ tử hình.
Thông qua những hình ảnh mang tính chất tượng trưng tại Khu lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò, bạn sẽ thấy các công cụ dùng để tra tấn, các thiết kế cửa, khóa, gông cùm chuyên biệt, cũng như hình ảnh về cuộc sống tù đày khổ ải của các phạm nhân khi xưa.
Với chiếc máy chém man rợ nhất mà thực dân Pháp đã đặt đây, Nhà tù Hoả Lò nằm trong số 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới, cũng như đứng đầu danh sách 5 địa điểm du lịch rùng rợn nhất Đông Nam Á theo bình chọn của đài CNN vào năm 2014.
'
Máy chém Nhà tù Hỏa Lò
Trong số các công cụ dùng để tra tấn, ép cung, phải kể đến chiếc máy chém khổng lồ, vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng khi nói đến Nhà tù Hỏa Lò.
Máy chém có cấu tạo hai cột gỗ cao khoảng 4m, với lưỡi đao sắc bén được giữ trên cao, còn phía bên dưới là hai miếng ván hình bán nguyệt ghép với nhau để giữ đầu tử tù, còn phía trước là hộc sắt để hứng đầu người chết, và kế bên là thùng mây đan đựng thi thể.
Trong suốt những năm từ 1986 đến năm 1954, vũ khí man rợ này được luân chuyển từ nhà giam này đến nhà giam khác khắp xứ Bắc Kỳ, để xử trảm các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng.
'
Ngục tối Nhà tù Hỏa Lò
Ngục tối được ví như địa ngục của địa ngục, nơi các phạm nhân bị gông cùm, tra tấn, nhục hình trong một không gian chật hẹp và tăm tối, khiến những ai từng bị nhốt ở đây một thời gian đều bị phù nề, ghẻ lở do thiếu vệ sinh và ánh nắng mặt trời. Không chỉ bị tra tấn, các phạm nhân còn phải lao dịch khổ sai dưới sự quản thúc hà khắc của giám ngục.
Những phạm nhân bị kết án tử hình bị giam cầm ở tận sâu trong khu nhà giam, phải đi qua ba lần cửa sắt mới đến.
'
Cây bàng Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò có những cây bàng lớn trong sân, có cây tính đến nay cũng gần 100 năm tuổi. Những cây bàng này được cho là do các chiến sĩ cách mạng bứng về trồng từ những cây bàng mọc dại bên phía tòa án.
Nhờ có những cây bàng trong sân, mà các phạm nhân ở đây có chỗ nghỉ ngơi, hóng mát. Ngoài ra, nhân hạt bàng, lá bàng còn được dùng như những phương thuốc quý chữa lành vết thương hay điều trị cơ thể đau ốm, suy nhược. Những cành bàng khô cũng được tận dụng làm cán bút với phần ngòi là nụ hoa tigon. Có thể nói, những cây bàng trong sân có ý nghĩa rất lớn đối với các phạm nhân Hỏa Lò lúc bây giờ.
'
'
5. Kinh Nghiệm Tham Quan Nhà Tù Hỏa Lò
Khi tham quan Nhà tù Hỏa Lò, bạn lưu ý một số quy định sau đây nhé:
- Không mang chất nổ hoặc chất gây cháy nổ.
- Không được hút thuốc lá.
- Không di chuyển hiện vật.
- Được phép cắm hương, đặt hoa tại đài tưởng niệm
Nếu có cơ hội đến di tích lịch sử Hỏa Lò, bạn có thể kết hợp tham quan nhiều điểm du lịch khách ở Hà Nôi như Hoàng Thành Thăng Long, Lăng Bác, Nhà Hát Lớn, Phố Sách 19.12, Cầu Long Biên, Hồ Gươm, Phố đi bộ, khu phố cổ, Văn Miếu Quốc Tử Giám…