Chùa Trấn Quốc – Ngồi chùa cổ linh thiêng bậc nhất Hà Nội
Chùa Trấn Quốc với tuổi đời hơn 1500 năm là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần, chùa Trấn Quốc giờ đây trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của thủ đô, thu hút rất đông du khách tới thăm quan và cúng lễ mỗi năm. Đặc biệt, năm 2016, chùa Trấn Quốc đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn.
Địa chỉ: Đường thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội
Giờ mở cửa: 8h đến 18h
Giá vé: miễn phí
'
Lịch sử chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Và cho tới nay chùa vẫn được coi là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
'
Kiến trúc chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, diện mạo có phần thay đổi, quy mô và kiến trúc của chùa hiện giờ là kết quả của một đợt trùng tu lớn năm 1815. Tổng diện tích chùa khoảng hơn 3000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện.
Nổi tiếng là chốn linh thiêng và cảnh quan tuyệt đẹp, chùa Trấn Quốc từng là nơi vãn cảnh yêu thích của nhiều bậc vua chúa Việt Nam trong các dịp lễ hội đặc biệt như lễ Tết, ngày rằm. Đã hơn 1000 năm trôi qua, ngôi chùa vẫn giữ được sự nổi tiếng và nét độc đáo trong kiến trúc bất chấp quá trình đô thị hóa.
Trấn Quốc có kiến trúc đặc biệt giống những ngôi chùa cổ ở Hà Nội. Đi qua cổng, bạn cần đi theo con đường được lát bằng gạch đỏ để có thể nhìn thấy không gian bên trong. Nơi đây mang hình ảnh kiến trúc đậm nét Phật giáo với nhiều lớp công trình. Bạn có thể thấy rõ điều đó qua ba gian nhà chính của chùa.
- Tiền đường: nằm phía trước gác chuông và quay mặt về hướng Tây. Phía trước Nhà tiền đường có đặt lư hương ngoài sân để phật tử và du khách thập phương.
'
- Nhà Tổ: ở bên phải Tiền Đường, thờ các bậc danh sư đời trước.
'
- Nhà Bia: nằm bên trái Tiền Đường, lưu giữ 14 tấm bia quan trọng được khắc từ năm 1813 đến năm 1815. Nó thể hiện quá trình tu bổ của chùa sau một thời gian dài bị đổ nát.
'
Ba ngôi nhà chính nối liền với nhau tạo cho chùa như một bông sen đang nở. Có thể nói, chùa Trấn Quốc là sự kết hợp hài hòa giữa không gian thanh tịnh của vườn cây xanh, hồ xa và kiến trúc cổ kính, uy nghiêm. Chính vì vậy mà nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962.
'
Điểm đặc sắc của chùa Trấn Quốc
Một điểm đặc biệt không thể không nhắc đến của chùa Trấn Quốc là ngôi Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998, đến năm 2003 thì hoàn thành tạo thành khu vườn tháp của chùa. Ngôi Bảo Tháp cao 15m, gồm 11 tầng. Ở mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô cửa hình vòm. Đặc biệt, trên đỉnh có một tháp sen 9 tầng (Cửu phẩm liên hoa) được tạc bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại rất mềm mại.
'
Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này có lá hình trái tim, và nhiều người tin rằng nó được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 2500 năm.
'
Hiện nay, chùa Trấn Quốc có thể coi như như một bảo táng thu nhỏ vì còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát, cùng các cổ vật có giá trị. Phần lớn chúng đều có tuổi đời trên trăm năm và được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng (dân gian thường gọi là Phật Nằm). Bức tượng này được đánh giá là bức tượng đẹp nhất Việt Nam.
'
Làm thế nào để đến chùa Trấn Quốc
Chùa chỉ cách trung tâm thành phố 5 km nên bạn có thể đến đó bằng nhiều phương tiện giao thông khác nhau.
- Bằng xe buýt: bạn có thể bắt xe buýt số 50 đón bạn ngay trước chùa. Nếu không tiện bắt xe buýt này. Vui lòng lên xe buýt số 31, 41, 55A, 55B hoặc 58 dừng tại bến xe An Dương, sau đó đi bộ khoảng 5 phút là đến nơi.
- Bằng phương tiện cá nhân: bạn có thể tới đây bằng xe ô tô, xe máy, xe đạp… và gửi xe ở bãi trông xe phía trước lối vào chùa. Hãy hỏi giá trông xe trước khi gửi để chắc chắn số tiền phải trả nhé.
'
Chú ý khi tham quan chùa Trấn Quốc
- Chùa luôn đông đúc người tới tham quan và vãn cảnh, nhất là vào các ngày 1 và 15 hàng tháng. Nếu bạn muốn khám phá văn hóa tín ngưỡng của người Việt, hai ngày này luôn là thời điểm tuyệt vời. Nhưng nếu bạn không thích đám đông và muốn tận hưởng không gian thanh tịnh, bạn nên tránh những ngày này.
- Vì chùa là thánh địa linh thiêng nên du khách phải mặc trang phục nghiêm chỉnh, trang phục không được quá ngắn và hở hang.
Qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó uy nghi, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hàng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh chùa.
'
Nguồn: sưu tầm